Nghị định số 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân, cộng đồng mạng. Trên nhiều trang, kênh, hội nhóm, tài khoản mạng xã hội đã tích cực chia sẻ, trích dẫn nội dung của các Nghị định 168, 176 thu hút đông đảo người dùng mạng xã hội tham gia, nhất là nội dung cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông sẽ được Nhà nước Nhà nước chi hỗ trợ (không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc). Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu đã lợi dụng đăng tải tin bài xuyên tạc, cắt ghép hình ảnh hoặc đưa lại các vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý xảy ra nhiều năm trước nhằm mục đích tăng tương tác (câu like, view, share) đã thu hút nhiều tranh luận, bình luận xấu, tiêu cực, diễn giải không đúng các quy định của pháp luật liên quan.
Ảnh minh họa
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo:
- Người dân cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo thông tin chính xác, việc thu thập thông tin không gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân và tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng. Thông tin phản ánh cần chuyển đến cơ quan chức năng (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc hoặc gửi qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng hoặc gửi qua phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu khác như VneTraffic, VNeID, Zalo OA… của lực lượng Công an), không tự ý tán phát lên mạng xã hội.
- Tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng nếu sử dụng mạng xã hội để:
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội;
+ Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật…
(Quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
- Ngoài ra, hành vi đăng tải tin giả, tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên không gian mạng tùy theo tính chất, mức độ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định./.
Phòng ANM&PCTPSDCNC