Thứ sáu, 18/10/2024
(Thứ hai, 24/06/2024, 06:48 am GMT+7)

Ra đời trong lửa khói những ngày đầu cách mạng, gần 80 năm qua, lực lượng Công an nhân dân với lời thề danh dự, “rèn kiếm sắc, giữ tâm trong”, luôn đặt quyền lợi của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, chỉ biết còn Đảng là còn mình, vững vàng trước những hiểm nguy thách thức, vượt qua gian khổ hy sinh, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu Nhân dân dành cho lực lượng Công an nhân dân.

“Danh dự” hiểu theo nghĩa chiết tự Hán Nôm có nghĩa là “tiếng tốt sẵn có của mỗi người”. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức thì có nghĩa là “sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp”. Như vậy có thể hiểu “Danh dự” chính là giá trị tinh thần và đạo đức tốt đẹp của mỗi người hay nói một cách ngắn gọn, danh dự chính là phẩm chất cao quý, là giá trị làm người.

Danh dự không phải có sẵn tự nhiên mà phải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng, tích lũy mới có được, giống như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, kính trọng. Vật chất, tiền bạc khi mất đi còn có thể kiếm lại được nhưng mất danh dự là mất tất cả, mất đi lòng tin, mất đi sự tin tưởng, quý trọng mà người khác từng dành cho mình. Do vậy, nếu người biết trọng danh dự thì khi làm một việc gì đó phải luôn phải cẩn trọng, suy xét thấu đáo, thiệt hơn để xem việc đó có ảnh hưởng đến danh dự của mình không, có làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của người khác không, của tập thể không?. Vì thế “danh dự” như một “barrie”, rào chắn để ngăn ngừa điều ác, điều xấu xa trong xã hội.

Người xưa trọng danh dự như mạng sống, thậm chí còn hơn cả mạng sống của chính mình. Lịch sử còn ghi câu chuyện Thái phó Tô Hiến Thành, khi vua Lý Anh Tông băng hà có di chiếu lập hoàng tử Lý Long Cán mới 3 tuổi lên ngôi và giao cho ông làm phụ chính. Nhưng Chiêu Linh Thái Hậu muốn lập con của mình là Lý Long Xưởng lên làm vua nên đã đem vàng bạc, châu báu đến hối lộ Thái phó Tô Hiến Thành. Ông khẳng khái từ chối và nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, đâu xứng làm kẻ tôi trung”. Hay như Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, trong trận chiến chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc bị giặc bắt. Biết được thân thế hoàng tộc của Trần Bình Trọng, kẻ địch đã dụ dỗ mua chuộc, thậm chí hứa hẹn phong vương song Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Lịch sử cũng còn ghi lại những tấm gương tuẫn tiết để giữ tròn danh dự của Hai Bà Trưng bên dòng Hát Giang, của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu trong trận chiến giữ thành Hà Nội.

Lịch sử dân tộc ta đã sáng ngời những tấm gương trọng danh dự, coi “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” mà không cần tìm ở đâu xa lạ. Như vậy có thể thấy lời căn dặn của Tổng Bí thư không chỉ xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay và còn có cơ sở từ truyền thống lịch sử, từ đạo lý văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta.

Là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, tuyệt đối trung thành, “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy danh dự của của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lời căn dặn của Tổng Bí thư không chỉ là một phẩm chất cao đẹp mà còn có giá trị thiêng liêng vì nó gắn liền với danh dự của một lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nói ngắn gọn thì danh dự của người chiến sĩ công an chính là danh dự của lực lượng Công an nhân dân. Bảo vệ danh dự cá nhân mỗi chiến sĩ Công an nhân dân cũng chính là bảo vệ danh dự của lực lượng Công an nhân dân.

Nét đặc trưng là, danh dự của người chiến sĩ Công an có mặt trên cả hai mặt trận, mặt trận đấu tranh các thế lực chống đối chế độ, xâm hại quyền lợi của nhân dân và mặt trận chống lại những “viên đạn bọc đường”. Mặt trận thứ hai tưởng như vô hình nhưng cũng có không ít mất mát, hy sinh, đó là chống lại sự dụ dỗ, lôi kéo của các phần tử xấu, lợi ích nhóm, sự cám dỗ của vật chất, các danh lợi tầm thường, sự mê hoặc của quyền lực.

Nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lực lượng Công an nhân dân đã luôn nêu cao ý chí cách mạng sáng ngời, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Dù kẻ địch có mưu mô, xảo quyệt, thâm độc, dù điều kiện chiến đấu có vô cùng gian khổ, hy sinh song những chiến sĩ Công an nhân dân vẫn vững vàng vượt qua, giữ vững danh dự khí tiết.

Chiến công tiêu diệt bè lũ phản động tại số 7, phố Ôn Như Hầu đập tan âm mưu tiêu diệt chính quyền non trẻ trong thời khắc vận mệnh của Đảng, của quốc gia dân tộc đứng trước những thử thách sống còn đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân.

Tượng đài Nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi (Tp Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Hay như chiến công đánh đắm Thông báo hạm A-my-ô Đanh-vin ở vùng biển Sầm Sơn chính là biểu tượng của sự hy sinh cao cả, hiến dâng mình cho Tổ quốc của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi. Rồi các tấm gương Cao Kỳ Vân, Bùi Thị Cúc, Võ Thị Sáu, những nữ anh hùng liệt sỹ của lực lượng Công an nhân dân đều hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ, khi bước vào trận địa giăng đầy thiên la địa võng của địch mà không hề run rợ. Khi bị giặc bắt, bị tra tấn, nhục hình dã man song vẫn hiên ngang không khuất phục để giữ trọn khí tiết.

Điều gì đã hun đúc nên những con người có trái tim yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, kiên trung với lòng gang dạ sắt, quyết hy sinh để bảo toàn khí tiết, bảo toàn bí mật của tổ chức nếu không phải là những con người có danh dự sáng ngời luôn giữ gìn danh dự trọng danh dự, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Môi trường công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân đầy phức tạp và cám dỗ song lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao bản lĩnh cách mạng, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”, đấu tranh quyết liệt với những thói hư, tật xấu, bọn làm ăn phi pháp, bọn tham nhũng, bọn thoái hóa, biến chất.

Tất cả những hành vi tiêu cục, nhũng nhiễu liên quan đến lực lượng Công an nhân dân thời gian qua đều đã được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với quan điểm không bao che, không dung túng trước mọi sai phạm đã cho thấy lực lượng công an luôn trọng danh dự, việc làm trong sạch đội ngũ thể hiện ý thức trách nhiệm của lực lượng công an đối với nhân dân, với đất nước.

Trong trang sử vàng của lực lượng Công an nhân dân, đã có hơn 14.800 liệt sĩ CAND, gần 6.000 thương binh, bệnh binh và hàng ngàn tấm gương chiến sĩ CAND dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ Công an liêm khiết không nhận hối lộ, tận tụy trong công việc, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân được Nhân dân tôn vinh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, tặng thưởng 16 Huân chương Sao vàng, 102 Huân chương Hồ Chí Minh; hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lê Thành Văn

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp