Thứ sáu, 20/09/2024
(Thứ hai, 17/07/2023, 09:36 am GMT+7)

Chiều 14/7, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an cho biết: Hiện Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và Bộ Công an đang hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện 43 mô hình ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tài khoản định danh điện tử VNeID trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Một trong số đó chính là việc thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tài khoản định danh điện tử, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đôn đốc các địa phương rà soát, xác định tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành lao động đang quản lý là 4,85 triệu người. Tổng số đối tượng đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản là 538563 người, chiếm 11,08%/ tổng số đối tượng đang quản lý. Các đơn vị đã chi trả qua tài khoản cho 115.806 người, chiếm 21,5% tổng số đối tượng đã có tài khoản.

Cụ thể, đã thực hiện chi trả qua tài khoản từ tháng 1/2023 đến nay là 141,7 tỷ đồng. Một số địa phương thực hiện tốt như: Quảng Ninh, Hà Giang, Thừa Thiên – Huế, tỷ lệ chi trả qua tài khoản đối với những trường hợp hưởng trợ cấp an sinh xã hội lên tới trên 55% so với tổng số đối tượng được chi trả.

Nhiều mô hình điểm ứng dụng hiệu quả CCCD, VNeID trong phát triển kinh tế - xã hội -0

Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành ấn tượng trước những kết quả trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 62% số người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025 có 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt).

Việc không dùng tiền mặt trong thanh toán tại các trường học và bệnh viện ở một số địa phương cũng được thực hiện tốt như ở Hà Nội có tới 56/71 cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ở Ninh Bình có tới 80% các cơ sở giáo dục không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí.

Thông tin với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, hiện có 43 mô hình điểm đang được triển khai ở các địa phương. Đây là kết quả từ những trăn trở của các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06, CBCS Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị của dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội, các bộ, ngành, địa phương. Trong 6 tháng qua, Bộ Công an đã ký kết với nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai những mô hình điểm này, đến nay, kết quả đạt được rất tích cực. Có nhiều địa phương triển khai hiệu quả như Thừa Thiên – Huế.

Tại Thừa Thiên – Huế ra mắt tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng Hue-S ở phố đi bộ Hai Bà Trưng, TP Huế. Đến nay đã có 105 cửa hàng trên tuyến phố chấp nhận thanh toán qua Hue-S.

Có 183 hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để làm thủ tục tại sân bay Phú Bài thay thế thẻ CCCD. Đã có 137/141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ lên tới trên 97%. Riêng số cơ sở y tế thực hiện khám, tra cứu thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế qua CCCD đạt tỷ lệ trên 80,05%. Nhiều khu, điểm du lịch, nhà ga, bến xe đã lắp đặt camera AI kiểm soát vé, nhận diện khuôn mặt, đảm bảo ANTT và phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế.

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh Hà Nam đã kích hoạt 562.491 tài khoản định danh điện tử (đạt 91,52%) xếp nhóm đầu toàn quốc; đã cấp được 17.197 tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. 118/118 cơ sở khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID thay Bảo hiểm y tế, với 181.008 lượt người khám bệnh. Hà Nam còn triển khai mô hình nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC).

Tỉnh Hà Nam đã hoàn thành việc tổ chức 4 lớp đào tạo online cho 2.366 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. UBND thị xã Duy Tiên triển khai thông báo lưu trú trên phần mềm ASM là 954 lượt và triển khai Mô hình Sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng định danh điện tử VNeID trong đăng ký khám chữa bệnh, khai báo lưu trú và thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế. UBND huyện Thanh Liêm, Bình Lục sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng định danh điện tử VNeID trong đăng ký khám chữa bệnh, khai báo lưu trú và thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế. Nhiều địa điểm, khu du lịch như Tam Chúc cũng đã được lắp đặt máy quét QR kiểm soát ra, vào với gần 40.000 du khách check in qua thiết bị này…

Theo báo Công an nhân dân

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp