Thứ bảy, 20/04/2024
(Thứ tư, 22/09/2021, 05:12 pm GMT+7)

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có sự gia tăng nhanh cả về số lượng và tính chất nguy hiểm, phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Những “chiếc bẫy” tinh vi luôn được những kẻ xấu giăng sẵn trên mạng.

Muôn kiểu lừa đảo

Mặc dù có rất nhiều thông tin cảnh báo về những vụ lừa đảo trên mạng Internet nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Nhiều vụ lừa đảo đã thành công vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và cả lòng tham của chính nạn nhân. 62 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao (51 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; 8 vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc…), thiệt hại tài sản trị giá khoảng 44 tỷ đồng xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa phải là con số cuối cùng do nhiều nạn nhân không dám trình báo công an vì xấu hổ.

Lãnh đạo Công an huyện Lạng Giang và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Lạng Giang - Bắc Giang II biểu dương nhân viên vì tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.

Lãnh đạo Công an huyện Lạng Giang và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Lạng Giang - Bắc Giang II biểu dương nhân viên vì tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.

Có muôn kiểu lừa đảo mà các đối tượng giăng sẵn trên mạng. Đơn cử như giả mạo cơ quan điều tra, cán bộ công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập đề nghị chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra. 

Thông báo thông tin giả về trúng thưởng lớn, yêu cầu cung cấp số OTP. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại. Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền trong thẻ. Gửi email, tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài. Giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn. 

Sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại giống với số trực ban công an, sau đó đe dọa, tống tiền (số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028). Đối tượng gửi đường link giả mạo hay gắn thẻ vào một bài viết có chứa đường link độc hại để hack facebook, sau đó sử dụng facebook này để nhắn tin vay tiền, nhờ chuyển tiền.

Tội phạm công nghệ cao có “đất sống” là do sự bùng nổ của Internet trong khi cơ sở hạ tầng mạng chưa đồng bộ, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật. Nhận thức của người dân về bảo vệ an ninh, an toàn không gian mạng còn hạn chế. Người sử dụng mạng xã hội thiếu cảnh giác, không có biện pháp bảo mật thông tin cá nhân.

Điểm mặt tội phạm

Trong 9 tháng năm nay, lực lượng Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ, khởi tố 26 vụ với 88 bị can liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Trong đó có 18 vụ, 31 bị can lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; khởi tố 8 vụ 55 bị can tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng; khởi tố 2 bị can “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; xử lý vi phạm hành chính 4 trường hợp. 

Trong 9 tháng năm nay, lực lượng Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ, khởi tố 26 vụ với 88 bị can liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Trong đó có 18 vụ, 31 bị can lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; khởi tố 8 vụ 55 bị can tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng; khởi tố 2 bị can “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; xử lý vi phạm hành chính 4 trường hợp.

Đơn cử như ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ Đào Ngọc Quân (SN 1990), trú tại thôn Song Khê 1, xã Song Khê (TP Bắc Giang) cầm đầu đường dây mua bán tiền ảo để đánh bạc trên ứng dụng trò chơi điện tử R88 cho hai đối tượng là: Lý Văn An (SN 2001) ở xã Đông Hưng và Lý Hải Cầu (SN 2003) ở xã Tiên Nha (cùng huyện Lục Nam). Từ cuối năm 2020, Quân đã mua, bán tiền ảo để nạp vào tài khoản R88, rồi thông qua ứng dụng trò chơi điện tử cá cược ăn tiền với tổng số tiền giao dịch khoảng 12 tỷ tiền ảo (khoảng 10 tỷ đồng). Đấu tranh mở rộng vụ án, 7 đối tượng đồng phạm đã ra đầu thú. Ngày 13/8, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố Quân cùng đồng bọn về tội đánh bạc.

Ngày 9/9, đối tượng Nguyễn Công Ngàn (SN 1997), trú tại xã Duy Phước và Đỗ Văn Điệp (SN 1998) ở thị trấn Nam Phước, cùng huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố. Hai đối tượng này thường xuyên lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin về số tài khoản ngân hàng, số điện thoại mà người dùng đăng tải, rồi đăng nhập nhiều lần để tài khoản ngân hàng đó bị khóa. 

Sau đó, chúng sử dụng sim rác gọi điện cho nạn nhân giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp mã OTP để khắc phục lỗi rồi chiếm đoạt tiền. Bằng thủ đoạn trên ngày 25/3, các đối tượng đã chiếm đoạt của chị Phạm Thị H (SN 1985), trú tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) 990 triệu đồng. Ở một vụ án khác, từ hai số điện thoại 0985272385 và 0347421887 cùng tài khoản trên ứng dụng Zalo có tên “Cậu út”, đối tượng Nguyễn Công Đức (SN 1990), trú tại phố Bằng Nguộn, xã An Hà (Lạng Giang) đã bị Công an huyện Tân Yên bắt giữ. 

Thủ đoạn của Đức là thông qua mạng Internet thu thập các thông tin của chủ cơ sở kinh doanh thẻ Zing, lấy hai số điện thoại trên liên hệ trực tiếp rồi hướng dẫn bị hại tương tác qua Zalo, nhắn số tài khoản ngân hàng. Sau đó soạn thảo tin nhắn giả của các tổ chức tín dụng là đã chuyển khoản thành công để gửi tin nhắn lừa bị hại gửi thẻ. Trong gần 3 tháng, đối tượng đã lừa khoảng 4.000 người ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước với số tiền 1,4 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác. Thông báo cho các ngân hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển, nhận tiền nếu phát hiện các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn cần phải giải thích ngay cho khách hàng để ngừng giao dịch. 

Nhờ biện pháp này, gần 2 năm qua, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Chi nhánh Lạng Giang-Bắc Giang II đã ngăn chặn gần 20 vụ khách hàng chuyển tiền (hơn 400 triệu đồng) cho kẻ lừa đảo. Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo người dân giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng. Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Lực lượng công an triển khai trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, đánh bạc, lừa đảo theo phương thức, thủ đoạn mới; tội phạm trên lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử.

Theo Báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp