Thứ sáu, 29/03/2024
(Thứ sáu, 18/06/2021, 09:31 am GMT+7)

        Những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của Internet đã đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng bên cạnh đó kéo theo một số điểm tiêu cực là những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, các đối tượng đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội gây ra những vụ án rất nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

        1. Nhận diện vi phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao

        Qua phân tích, tổng hợp, nghiên cứu từ công tác đấu tranh với các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Giang có thể đưa ra một số thông tin về nhận diện phương thức thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng như sau:

        Vi phạm hành chính trên không gian mạng:

        Các hành vi vi phạm hành chính trên không gian mạng có thể hiểu là một phương thức thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính theo các điều, khoản quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/2/2020 của Chính Phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định này nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật hành chính chia theo các nhóm. Trong Mục 4 của Nghị định có nêu cụ thể từng hành vi vi phạm về thông tin trên mạng như Điều 99. Vi phạm về trang thông tin điện tử, Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội…

        Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có nhiều cá nhân vi phạm trong việc sử dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật về dịch bệnh gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này. Điển hình:

        Ngày 09/4/2021, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Trần Văn Sang, sinh năm 1992, cư trú tại thôn Đồng Bùi, xã Song Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang số tiền 7.500.000 đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật” quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ.

        Ngày 3/5/2021, trên mạng xã hội facebook, Công an huyện Việt Yên phát hiện tài khoản “Chuột Nhắt” đăng tải nội dung liên quan đến tình hình dịch Covid-19 kèm theo ảnh chụp công văn 87/BC-TTYT ngày 3/5/2021 của Trung tâm Y tế huyện Việt Yên về kết quả giám sát ca bệnh đối với trường hợp F1 từng đến tổ dân phố (TDP) My Điền 2, thị trấn Nếnh. Ngày 4/6/2021 Công an tỉnh đã xác minh làm rõ chị H.T.T, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú tại xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn đang thuê trọ tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh là lao động, buôn bán tự do là chủ tài khoản “Chuột Nhắt”. Chị H.T.T đã thừa nhận hành vi của mình và nhận thức được hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật; ngày 06/5/2021 Giám đốc Công an tỉnh xử phạt chị T số tiền số tiền 7.500.000 đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật” quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ.

        Tại Mục 2. “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông” thuộc Chương XXI  Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng có quy định 10 Điều (từ Điều 285 đến Điều 294) có thể coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trong thực tiễn công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, lực lượng Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra các vụ án trên địa bàn tỉnh như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đánh bạc”, “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, “Môi giới mại dâm” (các tội phạm truyền thống)… đều có yếu tố sử dụng internet, mạng viễn thông làm phương thức thủ đoạn phạm tội. Công an tỉnh xác định đối với các loại tội phạm truyền thống nêu trên các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, nhằm che giấu nhân thân lai lịch, gây khó khăn trong quá trình điều tra làm rõ các vụ án.

        2. Đối tượng lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

        Tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản.

        Dấu hiệu nhận biết tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chính là dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động… và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

        Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

        Trong những năm vừa qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta đã trở nên báo động và khá nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để phạm tội. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

        Thủ đoạn gọi điện giả danh Cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

        Đối với thủ đoạn này, các đối tượng có sự câu kết chặt chẽ, phân vai rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên trong ổ nhóm. Đầu tiên, nhóm thứ nhất sử dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo hoặc tìm kiếm thu thập thông tin trên mạng internet về số điện thoại, thông tin cá nhân, điều tra nghiên cứu về tài khoản ngân hàng và tài sản của “con mồi” (bị hại). Sau khi thu thập được thông tin cơ bản, nhóm thứ hai sử dụng nền tảng VOIP (là một công nghệ sử dụng nền tảng internet để khởi tạo ra số điện thoại giả mạo) gọi điện cho các bị hại giả danh Cơ quan điều tra. Bọn chúng sẽ dẫn dắt bị hại, đe dọa bị hại đang liên quan đến một vụ án đặc biệt nghiêm trọng (có thể là ma túy, rửa tiền…) và yêu cầu bị hại làm theo hướng dẫn để phục vụ công tác điều tra. Để khiến bị hại tin rằng đang thực sự vướng vào một vụ án đặc biệt nghiêm trọng các đối tượng tiếp tục đóng vai Kiểm sát, Tòa án chủ động nhắn tin kết bạn qua zalo, facebook của bị hại rồi gửi những hình ảnh của bị hại được chỉnh sửa, cắt ghép dán trên Lệnh tạm giam, Quyết định tạm giữ (Việc này được thực hiện nhờ công nghệ như Photoshop)… Sau khi bị hại hoàn toàn tin tưởng, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ tài sản vào các tài khoản ngân hàng do bọn chúng cung cấp để chiếm đoạt. Tiếp theo, nhóm thứ ba có nhiệm vụ xử lý luồng tiền vừa chiếm đoạt được. Các đối tượng sẽ thực hiện luân chuyển dòng tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng, thuộc nhiều hệ thống ngân hàng khác nhau sau đó “rửa” số tiền đó bằng nhiều cách như mua các đồng tiền ảo như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH)... hoặc rút tiền tại cây ATM (che kín người, tránh hình ảnh Camera tại cây ATM ghi lại).

        Đối với quy trình công tác, việc cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện làm việc qua điện thoại, đe dọa người dân là không đúng sự thật, là hoàn toàn giả mạo. Do vậy, người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng để tránh bị thiệt hại về tài sản.

        Thủ đoạn kết bạn làm quen qua mạng xã hội, nhắn tin gửi quà:

        Đối với thủ đoạn này, các đối tượng chủ động nhắn tin làm quen, kết bạn qua facebook, zalo. Sau thời gian kết bạn, nhắn tin trò truyện với nhau, các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối khiến cho bị hại tin rằng đang thực sự nói chuyện với một người nước ngoài ở nước ngoài (bọn chúng có thể vào vai quân nhân, thương nhân, bác sỹ…). Sau đó, đối tượng nói với bị hại sẽ gửi cho, tặng bị hại một gói quà có giá trị lớn về Việt Nam qua đường hàng không. Tiếp theo, một nhóm đối tượng khác giả làm nhân viên sân bay gọi điện cho bị hại thông báo rằng gói quà trên đã về Việt Nam và để lấy được cần phải nộp tiền phí hàng hóa, tiền thuế, tiền thông quan hoặc phải trả tiền cho Hải Quan sân bay… Bị hại tin rằng mình đang thực sự nhận được một món quá giá trị lớn hàng tỷ đồng nên sẵn sàng chuyển hàng trăm triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp nhằm lấy được món hàng đó. Các đối tượng sau khi nhận được tiền qua tài khoản sẽ luân chuyển dòng tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng, thuộc nhiều hệ thống ngân hàng khác nhau sau đó sẽ chuyển tiền ra nước ngoài hoặc rút tiền tại ATM.

        Đối với thủ đoạn này, khi sử dụng facebook, zalo cần chú ý những tài khoản facebook, zalo ảo là những người nước ngoài (tự giới thiệu là quân nhân, thương nhân, bác sỹ…) chủ động làm quen, kết bạn, kết thân hoặc có tình cảm yêu đương rồi gửi tặng món quà có giá trị lớn lên đến hàng tỷ đồng thì đây chính là tài khoản của các đối tượng lừa đảo. Do vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là chấm dứt ngay việc trò truyện, hủy kết bạn và chặn kết nối với các tài khoản facebook, zalo đó.

        Thủ đoạn chiếm quyền truy cập (hack) tài khoản facebook:

        Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook cá nhân bị chiếm quyền sử dụng tài khoản bằng một vài thủ đoạn như bị lừa click vào một đường link giả mạo (đường link này được gửi qua messenger) hay bị gắn thẻ vào một bài viết có chứa đường link độc hại.

        Khi nhấn vào đường link để xem, người dùng được dẫn tới một trang mới giống giao diện đăng nhập Facebook. Nếu điền thông tin tài khoản và mật khẩu hoặc chọn đồng ý, cho phép hoặc chỉ cần click vào xem nội dung bài viết cũng bị mất quyền đăng nhập vào tài khoản facebook của mình. Sau đó đối tượng sẽ sử dụng tài khoản. Sau khi việc hack facebook thành công đối tượng sẽ thay hết các thông tin đăng nhập của tài khoản facebook (email đăng nhập, số điện thoại, mật khẩu) sau đó đối tượng sử dụng facebook này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để vay tiền, nhờ chuyển tiền hoặc đối tượng sử dụng để tiếp tục hack facebook khác.



Giao diện giống đăng nhập trên Facebook


        Đối với thủ đoạn trên, đề nghị tuyệt đối không click vào các đường link lạ, không click xem những bài viết bị gắn thẻ có chứa đường link độc hại. Trường hợp bạn bè người thân gửi link nhờ chia sẻ, bình chọn giúp mà thấy cần thiết, thì trước khi chia sẻ, bình chọn phải kiểm tra chính xác xem đó có phải do bạn bè, người thân mình gửi hay không.Không được cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận để đảm bảo an toàn. Đối với mọi trường hợp bạn bè, người thân nhắn tin qua mạng xã hội hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền cần phải liên lạc lại ngay với người đó bằng cách gọi điện lại để kiểm tra xác minh trước khi cho vay tiền hoặc chuyển tiền.

        Thủ đoạn sử dụng lợi nhuận ảo từ việc đặt các đơn hàng ảo trên các website tailoc888.com, nasdaq666.com, app Abobo mà đối tượng đã tạo lập nhằm kêu gọi vốn tham gia đầu tư:

        Nhóm đối tượng thứ nhất (Nhóm A) có trách nhiệm lập và quản lý website tailoc888.com, nasdaq666.com, app Aboboo…. Đối tượng đưa ra những thông tin giả là những website này liên kết với các trang mua sắm (Chợ online) như Shopee, Lazada, Tiki, Amazon… Trên các chợ online này có các doanh nghiệp đăng bán các mặt hàng hóa, nhưng hàng hóa đó ít người mua, lượng tương tác thấp nên các doanh nghiệp này có nhu cầu tăng lượng tương tác, tăng lượt mua ảo. Do đó, những website tailoc888.com, nasdaq666.com, app Aboboo…. tạo ra một “công việc” cho người tham gia là chỉ việc đặt mua những đơn hàng ảo nhằm tăng lượt tương tác, tăng lượt mua ảo và sẽ được trả công bằng phần % hoa hồng tương ứng với giá trị hàng hóa đặt mua. Yêu cầu bắt buộc khi đăng kí tài khoản trên website là phải có người giới thiệu (những người đã tham gia website trước) bằng đoạn mã (dãy số hoặc dãy số kèm kí tự) gửi cho người đăng kí tham gia. Sau đó, người tham gia nạp tiền vào website bằng cách chuyển tiền vào số tài khoản hiển thị trên trang web. Nhóm đối tượng này điều hành website thiết kế giao diện, làm giả thông tin của mặt hàng cần đăng bán, chỉ đạo bộ phận liên hệ, giải đáp trực tuyến của website, tiếp nhận lệnh của người tham gia đặt mua, điều khiển dòng tiền ảo.

        Nhóm đối tượng thứ 2 (Nhóm B) có trách nhiệm theo dõi quản lý hệ thống tài khoản ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với nhóm đối tượng A.

        Cơ chế nạp tiền vào và rút tiền ra của người tham gia: Khi người tham gia muốn nạp tiền vào thì chuyển tiền vào số tài khoản do nhóm đối tượng B quản lý, sau khi nhận được tiền nhóm đối tượng B sẽ thông tin cho nhóm đối tượng A để thiết lập số tiền tương ứng hiển thị trên giao diện tài khoản của người tham gia (Tài khoản trên website) để họ lầm tưởng rằng tiền đã được nạp vào tài khoản đó. Khi người tham gia muốn rút tiền phải đặt lệnh rút tiền trên trang web do đối tượng A quản lý, sau khi nhận được lệnh này nhóm đối tượng A thông tin cho nhóm đối tượng B chuyển khoản đúng số tiền người tham gia cần rút.

        Khi nhóm đối tượng B thông tin số tiền của những người tham gia chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đủ lớn theo mục đích ban đầu của các đối tượng thì nhóm đối tượng A sẽ tự động đánh sập website xóa sạch dấu vết, tắt hết số điện thoại hỗ trợ. Nhóm đối tượng B tiếp tục tẩu tán số tiền chiếm đoạt được bằng cách chuyển liên tục, lòng vòng qua hệ thống nhiều tài khoản ngân hàng (Trong đó có nhiều tài khoản được đăng ký dưới thông tin cá nhân giả) để chiếm đoạt.

        Đây là phương thức, thủ đoạn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới, tinh vi, phức tạp, đối tượng đã triệt để lợi dụng tâm lý hám lợi và sự thiếu hiểu biết của người dân về thương mại điện tử để thực hiện hành vi phạm tội. Để phòng ngừa, ngăn chặn cần tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ không thể “Không phải làm gì mà vẫn hưởng lợi nhuận” như chiêu thức các đối tượng đưa ra để không trở thành nạn nhân của các đối tượng.

        3. Tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng

 
        Hiện nay, song song với việc tham gia đánh bạc theo các phương thức truyền thống như các trò với bài lá (ba cây, liêng, phỏm…), xóc đĩa ăn tiền , mua bán số lô, số đề qua cáp giấy, lợi dụng sự phát triển của internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và các phương tiện điện tử khác thay vì phải trực tiếp đánh bạc với nhau. Có rất nhiều hình thức đánh bạc trực tuyến như sau:

        - Đánh bạc trực tuyến thông qua ứng dụng Game đổi thưởng như “Gamvip”, “Nổ hũ”, M88, G88… Trong các ứng dụng này, là tập hợp mô phỏng những trò chơi có tính sát phạt cao như tải xỉu, ba cây, liêng, tá lả, xóc đĩa… thay vì sử dụng những bộ bài, bộ bát đĩa thì những con bạc chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể tải về cài đặt ứng dụng mở tài khoản và tham gia đánh bạc. Đây là những “chiếu bạc” được tổ chức quy mô chặt chẽ với hệ thống các nhóm đối tượng có nhiệm vụ khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm lập trình và vận hành hệ thống trò chơi. Đây là nhóm đối tượng sáng tạo ra các Game đổi thưởng với máy chủ được đặt ở nước ngoài, các đối tượng chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Game, lập trình hình ảnh, đồ họa, giao diện âm thanh… để duy trì hoạt động của các trò chơi trong Game. Nhóm thứ hai là hệ thống các đại lý. Các đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3… có vai trò thực hiện việc mua, bán điểm ảo quy đổi ra tiền thật. Để tham gia đánh bạc, các con bạc phải nạp tiền rồi quy đổi sang tiền ảo mới có thể tham gia đặt cược trong trò chơi. Muốn đổi từ tiền ảo sang tiền thật để rút tiền về phải liên hệ với hệ thống các đại lý thực hiện việc quy đổi theo một tỉ lệ đã quy ước, các đại lý thường sử dụng tài khoản ngân hàng làm công cụ thanh toán việc mua, bán điểm ảo. Nhóm thứ ba là những người chơi (con bạc), những người này chỉ cần tự tạo tài khoản, đăng kí các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, tên nhân vật.

        - Đánh bạc dưới hình thức mua bán số lô, số đề qua điện thoại, qua ứng dụng chat, qua trang web. Các đối tượng tham gia đánh bạc với nhau dưới hình thức mua bán số lô, số đề qua tin nhắn điện thoại hoặc qua các ứng dụng chat như zalo, telegram, imessage (tin nhắn dành riêng cho Iphone) hoặc lập tài khoản trên các trang website May88, sodo66, kubet, lixi88…

        - Đánh bạc dưới hình thức chơi cá độ bóng đá. Đây là hình thức đánh bạc đã có từ rất lâu tuy nhiên dưới sự phát triển của internet thì các đối tượng tổ chức đánh bạc đã nâng cấp trong việc che giấu nhân thân lai lịch, phân công nhiệm vụ trong đường dây, quy mô lớn hơn do sự kết nối trở nên dễ dàng hơn nhờ internet. Đối với cá độ bóng đá hiện đại ngoài hình thức các con bạc khi tham gia chơi sẽ được hệ thống đại lý cấp tài khoản (nick) còn có một số các website lập nên cho người chơi tự tạo tài khoản, tự đăng nhập để đặt cược với website như FB88, Dafabet, W88… Đối với hình thức chơi cá độ trong hệ thống đại lý cấp nick thì những con bạc sẽ có thuận lợi là khi tham gia đánh bạc chưa cần thiết phải chi trả số tiền đặt cược ngay, sẽ thanh toán vào một thời điểm quy ước, thanh toán tiền thắng thua trực tiếp với đại lý, các đối tượng quen biết nhau nên tính bảo mật sẽ cao hơn. Đối với hình thức tự tạo tài khoản chơi trên các trang website như FB88, Dafabet, W88… khi tham gia chơi phải nạp tiền thông qua tài khoản ngân hàng, khi cá cược và thanh toán trực tiếp với website số tiền được thanh toán ngay lập tức (trả về tài khoản ngân hàng) theo ngày hoặc khi kết thúc kèo đã tham gia. Đối với hình thức này có sự rủi ro là khi trang website bị sập hoặc báo lỗi sẽ mất toàn bộ số tiền đã nạp vào và không lấy lại được.

        - Một số hình thức đánh bạc khác như tham gia đặt cược kết quả các trận đấu thể thao điện tử như các giải chơi Game đế chế, fifaonline, Đột kích… thường các giải thể thao điện tử này các Game thủ sẽ phát trực tiếp trên môi trường mạng internet ai cũng có thể theo dõi kết quả và tham gia đặt cược cho các trận đấu thể thao điện tử. Loại hình này ở địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa phổ biến nhưng ở một số địa phương như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đã có những đường dây, tổ chức quy mô lớn đã bị triệt phá.

        Tội phạm đánh bạc theo quy định của pháp luật hình sự được xếp vào loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng hệ lụy kéo theo các hành vi nguy hiểm khác gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Có thể kể đến rất nhiều vụ vì mâu thuẫn khi đánh bạc dẫn đến xích mích, xô xát, chém giết nhau dẫn đến hậu quả chết người.

        4. Một số thủ đoạn khác và các biện pháp phòng ngừa tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng     

        Một số thủ đoạn khác:

        Thủ đoạn 1:Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị bị hại cung cấp số điện thoại đăng kí dịch vụ intemet banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ ngân hàng, sau khi bị hại cung cấp các thông tin này bọn chúng chiếm quyền sử dụng dịch vụ intenet banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản bọn chúng đã chuẩn bị từ trước để chiếm đoạt.

        Thủ đoạn 2:Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo sau đó tìm kiếm những người bán hàng online trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ internet Banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang web có đường dẫn ở cuối tin nhắn rồi nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP (là mã do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền) thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ intemet banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển tới tài khoản khác để chiếm đoạt.

        Thủ đoạn 3:Sử dụng sim rác gọi điện đến các thuê bao di động giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả đề nghị các chủ thuê bao đánh hộ số lô, số đề để hưởng phần trăm hoa hồng hoặc gửi tiền cho bọn chúng qua các tài khoản ngân hàng thì chúng sẽ cung cấp kết quả xổ số cho các chủ thuê bao trực tiếp tham gia đánh lô, đề. Sau khi bị hại gửi tiền theo yêu cầu thì bị chiếm đoạt.

        Thủ đoạn 4:Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội facebook, zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị như xe máy SH, Lyberty, số lượng lớn tiền mặt...rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển cho chúng làm thủ tục nhận thưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

        Một số biện pháp phòng ngừa:

        Thứ nhất, Không công khai các thông tin cá nhân, như: Ngày tháng, năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản Ngân hàng... lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem. Không cung cấp mã OTP do Ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên Ngân hàng.

        Thứ hai, thông báo đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công nhân viên nắm được phương thức thủ đoạn nêu trên. Qua đó truyên truyền rộng rãi đến các thành viên trong gia đình, bạn bè, người thân của họ để cùng hiểu rõ, nâng cao tinh thần cảnh giác, không trở thành nạn nhân của tội phạm.

        Thứ ba, kịp thời thông tin cho lực lượng công an khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm nêu trên. Có thể thông báo, thông tin ngay cho lực lượng công an qua trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Bắc Giang, Fanpage Công an tỉnh Bắc Giang, số điện thoại đường dây nóng hoặc trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an để báo tin./.

Ban Biên tập

 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp