Thứ bảy, 20/04/2024
(Thứ hai, 16/12/2019, 03:34 pm GMT+7)

 

(BGĐT) - Là đơn vị nòng cốt trong đấu tranh, trấn áp tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang) luôn chủ động bám sát địa bàn, lăn lộn đến nhiều địa phương trên cả nước để đánh án. Chiến công thầm lặng của đơn vị đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sáng sớm ngày 9-12 vừa qua, tổ công tác Phòng An ninh điều tra trực tiếp có mặt tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn để tiếp nhận đối tượng Tàng Văn Định (SN 1988) ở thôn Trại Hồ, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Định đầu thú sau hơn 5 năm trốn truy nã nơi xứ người.

Cán bộ Phòng An ninh điều tra đấu tranh với đối tượng Tàng Văn Định, thôn Trại Hồ, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). 

Cán bộ Phòng An ninh điều tra đấu tranh với đối tượng Tàng Văn Định, thôn Trại Hồ, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn).

 

Theo tài liệu điều tra, Định vượt biên sang Trung Quốc từ năm 2009 rồi cấu kết với một số đối tượng tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Từ năm 2010 đến đầu năm 2013, Định trực tiếp cùng các đối tượng 5 lần tổ chức đưa 256 người vượt biên. Khi biết đồng bọn trong đường dây bị bắt, Định bỏ trốn và bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

Trước đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng đến tận sân bay Nội Bài tiếp nhận đối tượng Nguyễn Văn Dũng (SN 1981) ở thôn Tiền, xã Đại Lâm (Lạng Giang) trở về nước đầu thú sau thời gian dài trốn tại Cộng hòa Liên bang Nga về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Theo một số điều tra viên, do hầu hết các đối tượng bị truy nã đều phải chịu mức án cao nên thường trốn ra nước ngoài hoặc thay đổi thông tin cá nhân, gây nhiều khó khăn cho công tác bắt giữ.

Để đưa một đối tượng ra ánh sáng, đơn vị phải lặng lẽ theo dõi hàng năm, thậm chí vài năm rồi vận động người thân, gia đình thuyết phục. Do giáp với một số tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh; trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên nhiều đối tượng đã chọn Bắc Giang là địa bàn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Gần đây, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm tinh vi hơn. Điển hình như đối tượng Nguyễn Tuấn Giảng (SN 1954) quê ở xã Đông Phú (Lục Nam), trú tại Hà Nội cùng đồng bọn mua một trang web được thiết kế như trang tiền ảo chuyên nghiệp rồi chỉnh sửa tạo ra các gói thầu nhỏ, kêu gọi đầu tư. Thủ đoạn tinh vi cùng khả năng thuyết trình, Giảng tư vấn cho hơn một nghìn người ở 28 tỉnh, TP tham gia với số tiền lên đến 100 tỷ đồng.

Tương tự, Nguyễn Đức Trọng (SN 1975) trú tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) mua lại pháp nhân (hóa đơn, con dấu…) của 3 doanh nghiệp ở Bắc Giang rồi xuất khống bán cho các doanh nghiệp, làm thất thoát của nhà nước gần 20 tỷ đồng. Thiếu tá Nguyễn Quang Hùng, Đội trưởng Đội hướng dẫn, kiểm tra, thi hành pháp luật và giải quyết đơn thư, khiếu tố cho biết: “Tội phạm liên quan đến lĩnh vực đơn vị phụ trách thường am hiểu pháp luật nên tìm mọi cách che giấu thân phận.

Do đó, trước mỗi vụ án, chúng tôi đều dành thời gian đánh giá chứng cứ cẩn trọng bởi chỉ bỏ qua những tình tiết tưởng vụn vặt nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sinh mệnh chính trị của người khác”. Nhớ lại vụ án Lê Thị Kim Thoa (SN 1968) trú tại tổ 8, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) phạm tội mua bán trái phép hóa đơn, một điều tra viên của đơn vị chia sẻ, lúc đầu Thoa không thừa nhận hành vi phạm tội.

Năm 2019, Phòng An ninh điều tra thụ lý điều tra 12 vụ với 19 bị can; tiếp nhận, giải quyết 7 tin báo, tố giác tội phạm, trong đó khởi tố 4 vụ; truy bắt, vận động một đối tượng truy nã ra đầu thú, không để phát sinh đối tượng truy nã mới.
 

Song bằng sự khôn khéo, mưu trí và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã khiến đối tượng phải khai báo. Tương tự, để Nguyễn Minh Đại (SN 1978) ở xã Thủy An, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và Bùi Tiến Dũng (SN 1980) ở xã An Lập (Sơn Động) thừa nhận hành vi lưu hành tiền giả, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp phối hợp với điều tra viên đấu tranh với đối tượng trong hai ngày liên tiếp. 

Thượng tá Phạm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra cho biết: “Đối tượng phạm tội thường có trình độ nên một vụ án liên quan đến an ninh quốc gia có thể kéo dài. Thậm chí khi khép lại hồ sơ, đưa ra xét xử nhưng vẫn chưa dừng lại. Do đó, mỗi vụ án thực sự là một cuộc đấu trí cam go mà ở đó, mỗi cán bộ an ninh phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ cũng như sự nhân văn trong quá trình phá án”.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp